Que sera sera

Tuesday, March 22

Xà phòng 101

Thường lớp 101 là lớp căn bản, sinh viên năm đầu hay học mấy lớp này. Nhưng căn bản không có nghĩa là sơ sài, nó sẽ bao quát hết tất cả chương trình sau này một sinh viên sẽ học, tuy nhiên tóm gọn trong một học phần. Bài blog này nói về xà phòng 101, cũng mang tính chất bao quát và tóm gọn hé. Xà phòng thiên nhiên không phải là các loại sữa tắm, dầu gội mua trong siêu thị vì những thứ đó thật chất chỉ là chất tẩy rửa + hương liệu mà thôi. Dưới đây sẽ liệt kê một số thứ dưới dạng bullet points, nếu ai có thắc mắc xin vui lòng comment nghen.

  1. Xà phòng có gì?
Xà phòng/xà bông được tạo thành do phản ứng hóa học từ dung dịch kiềm (lye) và dầu hoặc mỡ và nước. Có hai chất hóa học dùng làm xà phòng: NaOH và KOH. NaOH cho ra xà bông cục (dạng cứng) và KOH cho ra nước xà bông (dạng lỏng). Dầu hay mỡ đều dùng làm xà bông được. Nhưng trong các sản phẩm chăm sóc da thì người ta dùng các loại dầu thực vật có nguồn gốc thiên nhiên, chưa qua xử lí (chỉ ép lạnh/nguội), vẫn còn nguyên tinh chất và chất dinh dưỡng. Nếu dùng loại hữu cơ càng tốt. Ngoài ra cũng có thể dùng glycerin làm xà bông, vì glycerin là 1 chất tạo ra do phản ứng của kiềm và dầu mỡ, nhà sản xuất sẽ tách riêng chất này ra để làm xà bông, gọi là melt-and pour/glycerin soap (chỉ cần làm tan chảy và đổ vào khuôn). Những ai muốn làm xà bông tại nhà mà không có kiến thức hóa học có thể dùng loại này.

2. Có bao nhiêu cách làm xà bông?
  • Hot process (dùng nhiệt): dùng nhiệt từ bếp điện hay bếp gas để "nấu" xà bông từ những thành phần kể trên. Cho ra những thanh xà bông rắn chắc, mau định hình, nhưng công đoạn làm rườm rà và rất dễ hư nếu sử dụng quá nhiều nhiệt (làm hỗn hợp tràn ra). Hơn nữa thành phẩm không đẹp mắt lắm do hỗn hợp mau khô, khó tạo hình. 
  • Cold process (không dùng nhiệt): dùng một phương tiện (máy xay/trộn -  stick blender) để hòa tan các thành phần lại với nhau. Mỗi lần làm thường cho ra thành phẩm tối thiểu 40 cục xà bông. Dễ kiểm soát từng công đoạn, và sản phẩm đẹp mắt hơn do hỗn hợp là một dung dịch, dễ dàng đổ vào khuôn. Tuy nhiên thời gian đông đặc lâu, và thường phải dành ít nhất từ 1 - 8  tuần cho xà bông bốc bớt hơi nước/hóa chất và rắn lại. Thời gian chờ càng lâu thì xà bông càng rắn và xài lâu hết, tuy nhiên sản phẩm sẽ thu nhỏ lại.
  • Melt - and - pour: như đã nói ở trên, thực chất nhà sản xuất đã làm hết các công đoạn cho mình rồi, và đóng xà bông glycerin thành 1 khối lớn, bán sỉ cho mình mua về, chia nhỏ ra, làm chảy trên bếp rồi điều chế thêm hương liệu hay màu sắc. 
  • Làm xà bông dạng lỏng thì bắt buộc phải dùng nhiệt. Phương pháp tương tự như hot process. Thành phẩm được hòa tan trong 1 lượng nước lớn để tạo thành sản phẩm cuối cùng. Có lời khuyên sau khi làm xong cũng nên chờ một thời gian cho sản phẩm trung hòa rồi hãy dùng. 
  • Dùng bất kì phương pháp nào, thì kiềm (lye) cũng sẽ phản ứng hết và không còn tồn tại trong thành phẩm, nên không lo ảnh hưởng đến da. Tuy nhiên, những người bán thường hay để cho những thanh xà bông này"cure", tức là để ở chỗ thoáng cho nước và hóa chất bốc hơi hết. Thời gian cure này khoảng trung  bình từ 1-8 tuần. Nhưng thực sự thì tui ko tin cậy những ai chỉ cure xà phòng của họ dưới 4 tuần, vì thanh xà bông còn nhiều nước và xài mau hết. À, loại melt-and-pour thì không cần cure đâu hén.
3. Những loại dầu nào làm xà bông được?
Hầu như loại nào cũng được, trừ một số rất hiếm không có phản ứng hóa học với kiềm thì không được. Tuy nhiên, có những loại dầu sinh ra nhiều bọt hơn nên được yêu dùng hơn. Một số loại khác do tính năng làm ẩm, mềm da, và sự chú ý của người tiêu dùng, cũng đang được sử dụng nhiều. Ví dụ như:
  • Dầu dừa: cho ra nhiều bọt, tạo cảm giác như sản phẩm mua trong siêu thị.
  • Dầu cọ: tác dụng dưỡng da và tạo bọt
  • Bơ Shea: làm từ hạt cây Shea ở châu phi, tác dụng giữ ẩm, dưỡng da, tuy nhiên không cho ra nhiều bọt.
  • Bơ Cocoa: dùng rất tốt cho da, cho ra xà bông cứng rắn.
Đối với người tiêu dùng, nên tìm hiểu xem người bán mua nguyên liệu ở đâu, và sử dụng nguyên liệu gì, là sản phẩm hữu cơ, ép lạnh, hay là sản phẩm đã qua xử lí. Một số loại dầu như Neem, Jojoba, red palm tuy rất tốt cho da nhưng lại có mùi hoặc màu sắc không bắt mắt nên nhiều người bán sẽ sử dụng loại đã qua xử lí. Tuy cùng là dầu jojoba, nhưng loại đã qua xử lí sẽ không màu, không mùi, đương nhiên thành phần dinh dưỡng cũng không còn nếu so sánh với loại màu vàng và đặc sánh; dầu đã qua xử lí đa số cũng rẻ hơn vì trữ được lâu hơn; sản phẩm hữu cơ (organic) thì lại đắt hơn do sự khan hiếm và công chăm bón. Những thông tin này không phải người bán nào cũng cung cấp cho khách hàng, mà mình phải tìm hiểu. Dù gì đi nữa thì đây là sức khỏe của mình, biết nhiều một chút thì không có hại.

4. Còn gì khác trong xà bông không?
Một số người bán, tùy theo trình độ, sẽ cho thêm những phụ gia khác. Đối với những người có nghiên cứu hóa/sinh học hay thảo dược học thì họ sẽ có kiến thức và khả năng sử dụng những sản phẩm thiên nhiên khác như tinh chất hoa cỏ, thảo dược, trái cây để làm cho thành phẩm thêm phần bổ dưỡng cho làn da hay mái tóc của người dùng. Người bán có khi cũng sẽ sử dụng những công thức phức tạp với nhiều loại dầu khác nhau và tinh dầu để tạo ra những sản phẩm độc đáo. Ngoài ra, còn có thể thêm những chất có tác dụng tẩy tế bào chết như là hạt cafe, hạt vani, oat, hoa levender xay nhuyễn....

Super fat: là lượng dầu còn sót lại sau quá trình phản ứng hóa học giữa dầu và kiềm, gọi là dầu siêu dư. Nói ngắn gọn: dầu+kiềm = xà bông để tẩy rữa, còn lượng dầu siêu dư superfat này có tác dụng dưỡng da, làm ẩm và làm mềm cơ thể. Giống như uống starbucks có thêm whip cream on top vậy đó. Xà bông có tính superfat càng cao thì càng ít làm khô da. Thường chỉ số superfat chấp nhận được là 5%-10%. Nhiều nơi không hề superfat vì tốn kém và lời ít, tui khuyên đừng nên chơi với những thằng đó. :D

5. Sử dụng xà bông thiên nhiên có sạch không? Có bít lỗ chân lông không? Soap scum thì sao?
Bất cứ sản phẩm nào cũng để lại thặng dư trên nguời mình, nhưng có cái mình thấy và có cái thì không. Ví dụ, xài dầu sả của pentene hay những sản phẩm tương tự, nếu để ý thì thấy nó có silicone và wax (cứ google thành phần sẽ biết, miễn cãi). Silicone (hoặc methicone) là những chất không tan trong nước. Muốn tẩy sạch thì phải dùng chất tẩy rừa mạnh (tức là dầu gội của nó) để tẩy. Biết thì biết vậy, mà mình đâu có thấy. Xà bông thiên nhiên cũng để lại thặng dư, nhưng những cái này lại dễ dàng tẩy trôi, hoặc có thể dùng dung dịch nước pha giấm để trung hòa thì sạch trơn.
Xà bông thiên nhiên có thể làm sạch bụi bẩn, tẩy trang, khử mùi. Nhưng nếu bạn sử dụng sản phẩm có chứa silicone như nói ở trên trong thời gian dài thì cần kiên nhẫn khi sử dụng xà bông, vì những chất đó rất khó tẩy rửa. Đó là lý do vì sao nhiều người khi mới chuyển qua dùng dầu gội làm từ xà bông thiên nhiên thì tóc họ trở nên "kì kì", đơ ra trong một thời gian ngắn. Đó là vì lương silicone/paraben đang được tẩy đi từ từ, và mái tóc cũng như cơ thể cần thời gian làm quen với một sản phẩm vệ sinh có tính tẩy rữa nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Xà phòng thiên nhiên không thể bít lỗ chân lông. Vì thực chất đây là sản phẩm dược rữa đi, bạn dùng xà phòng song sẽ rữa đi bằng nước, thì sản phẩm đâu còn lưu trên da bạn đâu mà bít lỗ chân lông? Nhưng một số người lại thấy nổi mụn. Chẳng qua đó là do da đã quen với những chất tẩy rữa, và trải qua một quá trình làm quen với sản phẩm mới. Hoặc bạn dùng loại xà phòng quá nhiều thành phần dưỡng ẩm trong khi da bạn đã nhờn sẵn, hoặc bạn dùng loại quá khô trong khi da bạn cần được làm ẩm. Cũng có khi bạn bị dị ứng với một thành phần nào đó của sản phẩm.

6. Lời khuyên?
Less is more. Nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu về những sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên, hãy dành thời gian tìm hiểu nó. Tìm hiểu cả người làm ra sản phẩm cũng như nguồn gốc của nguyên liệu sẽ cho bạn biết có nên dùng sản phẩm của họ hay không. Ngoài ra, nên bắt đầu từ những thứ bạn hiểu rõ nhất. Tui hay khuyên người ta dùng Extra Virgin Olive Oil để chăm sóc da. Đó là loại dầu mà ở đâu cũng có bán, lại rẻ, và công dụng thì không thể nào đếm hết (gồm cả nướng cá và làm salad). Hãy dùng những sản phẩm có thành phần đơn giản, và dùng từng sản phẩm một trong khoảng thời gian cách quảng. Ví dụ như hôm nay dùng xà bông mới, qua 4 ngày sau hãy dùng thêm một sản phẩm chăm sóc da khác. Làm như vậy, nếu có dị ứng thì sẽ biết liền mình bị dị ứng với sản phẩm nào.
Còn nữa, khi dùng sản phẩm chăm sóc da hay bất cứ cái gì mà bị dị ứng, thì đó không hẳn là lỗi của người bán. Tui từng biết một anh chàng có vợ xài sản phẩm làm đẹp bị dị ứng, đã đến cửa hàng người ta phùng mang trợn má lên làm nhân viên sợ quá hoàn tiền. Thực chất, người bán bán ra một sản phẩm phải chịu trách nhiệm với nó là đúng, nhưng chính người mua phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc lựa chọn một mặt hàng nào đó. Ví dụ như nếu biết mình bị dị ứng mật ong mà còn mua sữa rữa mặt ong chúa về xài thì không có cái dại nào bằng cái dại này. Ngoài ra, khi dùng một sản phẩm mới, nên thử ở tay, chân trước, nếu có dị ứng thì cũng không ảnh hưỡng đến dung nhan của mình.

7. Bonus, EVOL-extra virgin olive oil
  • Tẩy trang/rửa mặt: thấm ít dầu lên bông gòn, xoa lên mặt theo vòng tròn (circular motion). Tẩy được hầu hết các loại mỹ phẩm, do dù trang điểm có đậm. Cũng tẩy được một số loại mascara, ngay cả water proof. Sau đó rửa mặt với nước ấm (không quá nóng hay quá lạnh). Có thể dùng xà bông rữa mặt sau đó nếu trang điểm quá dầy hoặc da thuộc loại nhờn. Dùng dầu để rửa mặt gọi là oil cleansing method, tuy nhiên da nhờn thì chỉ nên làm 2,3 ngày trong tuần là tối đa.
  • Dưỡng da: sau khi rửa sạch mặt bằng xà bông, chậm khăn cho khô, thì cho khoảng 3 giọt dầu vào lòng bàn tay, chà sơ qua cho thấm đều rồi từ từ chậm(pad) lên mặt,massage nhẹ nhàng. Có thể xịt ít nước. Vậy là khỏi xài moisturizer luôn đó.
  • Tẩy tế bào chết: trộn dầu và đường, mật ong như trong bài scrub đường mật, vừa tẩy tế bào chết, vừa làm mềm da, rẻ hơn đi spa.
  • Massage: khỏi nói rồi hén. Nếu có thêm 2,3 giọt tinh dầu thì càng tuyệt.
  • Dùng thay kem cạo lông: :D dầu làm da trơn và mướt hơn nên dao cạo sẽ đi dễ dàng hơn. Vài bữa nữa chắc sẽ làm 1 bài về cách tẩy vi-o-lông nhỉ. Ok hem?
  • Dưỡng tóc: khoảng 2 muỗng cafe dầu dành cho tóc dài ngang lưng, tóc càng ngắn xài càng bớt lại. Bôi dầu lên tóc, để khoảng 4 tiếng hoặc qua đêm, rồi gội đầu là tóc mềm óng ả. Nếu dùng nhiều hơn 2 muỗng cafe thì phải gội đầu hơi kĩ à. Less is more, always. 
Lần sau nói tiếp hén.

7 comments:

  1. Xúc động quá! Bạn Linh làm hẳn 1 bài cho riêng tớ, hứt hứt. :) Cám ơn tấm lòng của bạn nhiều nhé! Đúng là tớ cần kiến thức vỡ lòng về organic soap and others lém. hehehe. Chúc bạn chuyến đi tốt đẹp hén! Muah,
    With loves,

    ReplyDelete
  2. Wahh.. bài vik công phu dữ :D

    ReplyDelete
  3. ở phần số 3 bạn có gõ nhầm "sản phẩm vô cơ (organic)" >> sản phẩm hữu cơ (organic) mới đúng
    : )

    Cảm ơn bài viết hay, đúng là xà bông thiên nhiên tạo cảm giác ''kì kì'' thiệt, kg cảm thấy mướt mượt trơn trơn kiểu của chất hóa học, nhưng mình lại thích kiểu 'độc hại' ấy chớ -.-

    ReplyDelete
  4. Cám ơn bạn nhiều. Mình nhớ lung tung cả lên. Mình d8ã sữa lại rồi ạ.

    ReplyDelete
  5. Bài này e xin fép nhận như 1 món quà nha C! Hihi

    ReplyDelete
  6. Bạn ơi, bạn có thể cho xin công thức làm xà bông cục đơn giản được không? Cám ơn bạn

    ReplyDelete

Tự do thoải mái bày tỏ ý kiến của mình nha. Nhưng xin vui lòng chửi thề có chừng mực. Please be polite and courteous while freely expressing your thoughts. No spams please.